Giá trị học thuật Lã_thị_Xuân_Thu

Lã Thị Xuân Thu thu thập rộng rãi, tổng hợp sở trường của các nhà, vì vậy được gọi là những lời nói có lựa chọn của Tạp Gia[4]. Các thực khách của Lã Bất Vi đại diện đủ các trường phái học thuật tư tưởng, do đó họ biết kết hợp tinh thần thời đại với đặc điểm tình hình lúc đó để đưa ra những bài viết tiêu biểu cho trường phái tư tưởng học thuật của mình.

Nhìn chung, bộ sách soạn rất công phu, lời văn thận trọng, nghiêm trang, tuy không tươi đẹp song cũng là một tác phẩm văn sử ký quan trọng và có giá trị. Lã thị Xuân Thu được viết theo dàn ý cương mục vạch sẵn, có định hướng rõ rệt, việc tuyển chọn các bài viết rất nghiêm ngặt. Do đó, đây không phải là một luận văn mà là một bộ chuyên khảo, thành một hệ thống thống nhất hẳn hoi[5].

Lã thị Xuân Thu có thái độ "trạch thiện nhi tòng" (chọn cái hay mà theo), vì thế nó chọn hình thức chủ yếu là kế thừa và phát huy, chứ không thể hiện thái độ hẹp hòi độc tôn một nhà, vùi dập những nhà khác. Đây được xem là một thái độ đáng quý[6].

Trong toàn bộ 160 thiên của cuốn sách đã thể hiện quan điểm học thuật của chư tử, trong đó chủ yếu có: Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Nho gia, Âm dương gia, Binh gia, Nông gia…

Lã Bất Vi là thương gia, ông không thực thi tư tưởng "trọng nông ức thương" như Thương Ưởng trước đây mà là "nhất nông nhì thương". Tư tưởng này được thực thi thành chính sách có lợi cho sự phát triển của xã hội[7].

Đây không chỉ là một kiệt tác của nhân loại mà còn là một bộ sách mang tầm ảnh hưởng rộng đối với nhiều nhà văn học cũng như là chính trị học-nhất là đối với đất nước Trung Hoa. Theo ý kiến của Cao Dụ thời Đông Hán:

"Bất Vi đã tập hợp những điều sở văn của Nho gia, nhưng sách này chủ trương lấy đạo đức làm mục tiêu, lấy vô vi làm cương kỷ, lấy trung nghĩa làm phẩm đức, lấy công bằng cởi mở làm chuẩn mực, như phối hợp cả Mạnh Kha, Tôn Khanh với Hoài Nam, Dương Hùng vậy"[8]